Kiểm tra “thần tốc” C2: Việc bưng bít thông tin rất có thể xảy ra

Cuộc kiểm tra “thần tốc” nhà máy sản xuất C2 tại KCN Thạch Thất của đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội đang gây nên sự tò mò của công chúng. Trong khi đó, người tiêu dùng muốn được biết kết quả của cuộc “viếng thăm” này thì đến nay vẫn như “bóng chim tăm cá”, không nhận được bất cứ sự phản hồi nào…

Như ANTT.VN đã phản ánh, ngày 15/9 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra hoạt động của nhà máy URC tại KCN Thạch Thất (Hà Nội).

Để cung cấp thông tin đến độc giả, phóng viên đã nhiều lần đến trụ sở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại địa đường Nguyễn Chí Thanh liên hệ làm việc nhưng không nhận được sự hợp tác của lãnh đạo chi cục này. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ nói ngắn gọn ông bận “đi vắng cả tuần và không thể tiếp phóng viên”. Trong khi đó, sau nhiều lần liên hệ nhưng bất thành, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó chi cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị phóng viên để lại câu hỏi và sẽ trả lời phỏng vấn, tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn, bà Thu vẫn không có bất cứ một phản hồi nào.

TS.Trần Đáng – nguyên Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế)
Dư luận cho rằng, một thông tin hết sức công khai nhưng lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lại cố tình bưng bít, không công khai kết quả buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra liên ngành với nhãn hàng C2. Liệu đằng sau việc này có gì hết sức khó hiểu không?

Để hiểu rõ hơn quy trình thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước giải khát, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với TS.Trần Đáng – nguyên Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế).

Liên quan đến cuộc thanh, kiểm tra nhà máy C2 của đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội, TS.Trần Đáng, cho biết, khi có kết luận thanh tra cơ sở sản xuất kinh doanh nào đó, nếu báo chí mong muốn được cung cấp thông tin thì đoàn thanh tra tùy thuộc vào mức độ thông tin phải cung cấp thông tin cho báo chí. T.S Trần Đáng cũng khẳng định, việc bưng bít thông tin thanh tra rất có thể xảy ra, không loại trừ khả năng đó được.

Thưa ông, nếu người tiêu dùng phát hiện có dị vật trong nước ngọt, họ nên xử lý thế nào?

Khi người tiêu dùng phát hiện có dị vật như: Ruồi, mùi vị thay đổi, màu sắc thay đổi, có chất bẩn, cặn…Tức là thấy có điều bất thường phải gọi ngay cho công ty  sản xuất vì sản phẩm có ghi số điện thoại của công ty hỏi nguyên nhân tại sao, sau đó gọi ngay cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương.

Với một sản phẩm có sức lan tỏa rộng, khi người dân phản ánh có dị vật, cơ quan chức năng có nên tiến hành thanh tra, kiểm tra công ty sản xuất?

Nếu phát hiện có vấn đề mà người tiêu dùng phản ánh thì họ phải vào cuộc chứ, họ phải vì người tiêu dùng. Cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc xác minh xem người tiêu dùng phản ánh đúng sự thật hay không, nhằm nhanh chóng khắc phục với mục tiêu là bảo vệ người tiêu dùng.

Vậy quy trình thanh tra diễn ra như thế nào?

Thứ nhất, sau khi phát hiện ra vấn đề thì họ ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra gồm có trưởng đoàn và đầy đủ các thành phần cả thành phần lấy mẫu.

Thứ hai, nếu tình hình nguy cấp là phải đến ngay và tiến hành thanh tra theo đúng quy trình, ví dụ từ thanh tra cơ sở nhà xưởng, thanh tra về sản phẩm, nếu có bệnh nhân phải điều tra cả bệnh nhân,điều tra người tiêu dùng. Tất cả xong về tổng hợp lại, đánh giá.

Thứ ba, viết báo cáo tổng kết để xem đúng sai ra sao, để kiến nghị cơ quan chức năng xử lý, hình thức xử lý như phạt tiền, xử lý bằng bồi thường hoặc xử lý bằng việc đóng cửa, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Thêm nữa, khi thấy tình hình nguy hiểm phải báo ngay cho cơ quan báo chí, truyền thông để toàn dân biết không sử dụng sản phẩm đó nữa.

Vậy nếu khi có kết luận thanh tra, báo chí có thể xin đoàn thanh tra cung cấp thông tin kết luận thanh tra hay không?

Thường thì khi có kết luận thanh tra người ta sẽ thông báo, thông thường khi thanh tra phóng viên vẫn có quyền đi cùng cơ mà, chỉ có điều là thông tin đó được phép công bố hay không được phép công bố, bởi khi công bố mà chưa rõ ràng, chưa rõ thực hư, đúng sai ra sao thì chưa nên công bố.
Khi trưởng đoàn thanh tra kết luận thanh tra rồi, đấy là thông tin chính thức anh được thông tin trên báo chí.

Thông tin được biết, vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội đã tiến hành thanh/kiểm tra lại Công ty URC ở KCN Thạch Thất. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thoái thác và từ chối cung cấp thông tin. Theo ông, liệu có việc đoàn kiểm tra bưng bít thông tin?

Rất có thể, theo tôi là rất dễ không loại trừ được.

Vậy khi báo chí muốn xin kết luận thanh tra nhưng không được thì nên làm thế nào, thưa ông?

Thì viết đơn yêu cầu, chúng tôi muốn biết kết luận thanh tra đó, nếu không thì báo cáo lên cấp trên của họ.

Tùy từng cái, nếu đúng và hợp lý thì họ phải cung cấp.

Xin cảm ơn ông!

Thiên Di (Theo An Ninh Tiền Tệ)
SHARE
    Facebook Comment
    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét