Thời gian vừa qua, nhiều trang báo đưa thông tin Công ty nước ngọt URC Việt Nam bị tố khuyến mại sản phẩm sắp hết date (trà Ô long C2) và chất lượng không tốt.
Thông tin này gây hoang mang cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm trà Ô long C2, nhiều người thắc mắc về quyền lợi của mình khi sử dụng phải sản phẩm nước ngọt chất lượng kém, cũng như xuất hiện dị vật.
Trà C2 Ô long của URC vướng nghi án khuyến mại sản phẩm kém chất lượng. (Ảnh: Báo Kiến thức) |
Luật sư Đặng Văn Cường – trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: “Pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi tặng quà kém chất lượng cho người tiêu dùng. Mọi hàng hóa được sản xuất và lưu thông trên thị trường đều phải qua kiểm nghiệm theo một quy trình chặt chẽ và được quy định cụ thể tại Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành khác.
Trong trường hợp có các căn cứ chứng minh doanh nghiệp có hành vi khuyến mại: Tặng nước ngọt hết hạn sử dụng, kém chất lượng cho người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại khoản 4, Điều 48 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định như sau:
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng; hàng hóa không bảo đảm chất lượng theo quy định;
g) Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa không bảo đảm chất lượng theo quy định làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác”.
Trao đổi về quyền lợi của người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm nước ngọt mình mua phải kém chất lượng, luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh cho hay:
Đối với những sản phẩm nước ngọt có dấu hiệu xuất hiện dị vật, kém chất lượng (thuộcnhóm hàng hóa có khuyết tật theo quy định của pháp luật), tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá có trách nhiệm:
– Kịp thời tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường;
– Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05
số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hoá đó được lưu thông;
– Thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng nội dung đã thông báo công khai và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi;
– Báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.
Đây là quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.Nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng quy định này, họ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào mức độ vi phạm, đồng thời phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Để làm rõ thông tin chúng tôi đã có cuộc gặp trao đổi với Công ty URC Việt Nam. PV báo Đời sống và Pháp luật cũng đang liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường…nhằm làm rõ sự việc. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các bài sau.
Xuân Tùng
Nguồn: Đời Sống Pháp Luật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét